Nhiều doanh nghiệp đề xuất nhanh chóng bãi bỏ hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo trong Nghị định 109 vì “lỗi thời” và gây lãng phí.
Phát biểu mới đây tại hội thảo về xuất khẩu gạo diễn ra ở TP HCM, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nhận định ngành gạo Việt Nam đang đối mặt hàng loạt thách thức. Trong đó, cơ bản nhất phải kể đến việc chưa xây dựng được thương hiệu chung, thị trường xuất khẩu truyền thống không ổn định và phụ thuộc ngày càng nhiều vào Trung Quốc.
Ngoài các yếu tố khách quan, ông Thành cho rằng nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chật vật trong việc mang hạt gạo ra thế giới là do những rào cản từ Nghị định 109, ban hành năm 2010. Theo đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải đáp ứng nhiều điều kiện như công suất kho chứa tối thiểu 5.000 tấn, duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 10% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, tăng diện tích vùng nguyên liệu qua từng năm…
Trong tài liệu báo cáo tại hội thảo, ông Thành nêu dẫn chứng trường hợp Công ty Viễn Phú (thương hiệu gạo đặc sản Hoa Sữa) không thể tiếp cận thị trường mà phải ủy thác qua các công ty lớn có đủ điều kiện xuất khẩu. Dù không gặp vấn đề về giá bán và đầu ra nhưng công ty này đang “ngồi trên đống lửa” vì bài toán giấy phép xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn đang chịu nhiều ràng buộc gây khó.
Một số doanh nghiệp khác cho rằng, ngành gạo Việt Nam sẽ ngày càng thiệt thòi và bị tụt lại trong cuộc chơi với những cường quốc xuất khẩu gạo của khu vực nếu các điều kiện như trên vẫn tiếp tục áp dụng.
Ông Nam, đại diện Công ty TNHH ADC (TP Cần Thơ) cho biết, đơn vị này đang sở hữu kho chứa chuyên dụng đạt công suất hơn 30.000 tấn, đồng thời hợp tác với 16.000 nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng vùng nguyên liệu hơn 35.000 ha. Toàn bộ điều kiện sản xuất và kinh doanh của công ty đều vượt xa quy định, nhưng nhằm đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm chi phí khi xin giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo thì ADC lại sử dụng số liệu của một công ty khác đạt tiêu chuẩn ở mức vừa đủ.
“Bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo ở thời điểm ban hành và hiện nay khác nhau rất nhiều. Để nhận được hợp đồng xuất khẩu, đặc biệt với những thị trường khó tính thì hầu như công ty nào cũng bắt buộc cam kết việc đảm bảo vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc. Thế nên, quy định tăng diện tích thêm từ 300 đến 800ha mỗi năm, tùy theo sản lượng xuất khẩu trở nên lỗi thời”, ông Nam nói.
Vị này chia sẻ thêm, ông tán thành việc bãi bỏ Nghị định 109 do các điều kiện quy định không còn hợp lý và trở thành gánh nặng trói buộc, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Điển hình như việc công ty này phải thuê nhân sự chỉ đảm nhiệm công việc báo cáo thông tin hợp đồng xuất khẩu lên Bộ Công Thương.
Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (ĐH Kinh tế TP HCM), Nghị định 109 ra đời nhằm chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo sau khi hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ tranh nhau nguồn nguyên liệu gạo, ảnh hưởng đến hợp đồng liên chính phủ (G2G) khiến Nhà nước phải bồi thường thiệt hại không nhỏ. Dù đồng tình bãi bỏ những rào cản với doanh nghiệp, nhưng ông Khai cảnh báo thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam có thể tái diễn tình trạng hỗn loạn khi doanh nghiệp tự do tham gia và cạnh tranh không lành mạnh theo hình thức bán phá giá như từng xảy ra với mặt hàng cá tra, thanh long…
“Rào cản gỡ bỏ và doanh nghiệp thoải mái tiếp cận những thị trường xuất khẩu không đòi hỏi khắt khe tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như Trung Quốc, Indonesia, Philipines thì xu thế hoạt động đơn lẻ sẽ trỗi dậy, mỗi doanh nghiệp bán một giá và những thỏa thuận trước đây trong các hiệp hội ngành nghề chỉ còn là hình thức”, ông Khai nhấn mạnh.
Đầu tháng 1/2017, Bộ trưởng Công Thương đã ký quyết định bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và thành lập nhóm soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, ban soạn thảo gồm Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Cục trưởng Xuất nhập khẩu, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và đại diện 19 tỉnh thành sẽ khẩn trương nghiên cứu biện pháp “cởi trói” cho ngành gạo để báo cáo Chính phủ trong quý II năm nay.
Người đứng đầu ngành công thương cho rằng việc xóa bỏ những thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp là cấp thiết trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm... Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu trong năm qua đạt 4,88 triệu tấn tương đương 2,2 tỷ USD, chỉ bằng một phần tư khối lượng và giá trị của năm 2015.
Phương Đông