Gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác khi Ấn Độ - nước cung ứng lớn nhất thế giới - cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Chính phủ Ấn Độ vừa áp lệnh cấm với gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á), sau khi giá gạo bán lẻ trong nước tăng 3% trong một tháng vì tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo thế giới. Do đó, việc Ấn Độ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu khiến thị trường gạo thế giới chịu "cú sốc" lớn.
Trước bối cảnh này, Giáo sư Võ Tòng Xuân - nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, "cha đẻ" nhiều giống lúa ngon của vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long - cho rằng nửa cuối năm sẽ là thời cơ "vàng" để gạo Việt bứt phá. Nửa đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 11% lên 539 USD một tấn. Sau lệnh cấm này, ông cho rằng giá gạo có thể lên tới 600 USD, với giống ngon chất lượng cao có thể lên tới giá bình quân 700 USD một tấn.
Theo GS Xuân, lệnh cấm xuất khẩu đột ngột của Ấn Độ sẽ gây tổn thương lớn cho các nước nhập khẩu vì họ không thể tìm kiếm các lô hàng gạo thay thế từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, thị trường Việt Nam và Thái Lan sẽ là điểm đến cho các nhà nhập khẩu. Ông dự báo kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm của Việt Nam có thể tăng đột biến.
Nói với VnExpress, giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết trong tháng 7, đơn hàng xuất khẩu gạo của công ty tăng 20% so với tháng trước đó và tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. "2 ngày nay sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhiều đối tác đề nghị chúng tôi ký hợp đồng dài hạn để đảm bảo nguồn cung nhưng công ty vẫn đang xem xét", giám đốc doanh nghiệp này nói.
Theo doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của công ty tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau lệnh cấm trên, ông dự báo giá xuất khẩu có thể tăng tới 30-40% so với năm ngoái.
Việt Nam đang đứng trước quá nhiều thuận lợi. Nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao nhất 10 năm. Hàng năm, Ấn Độ xuất khẩu ra thế giới trên 20 triệu tấn gạo một năm. Do đó, khi họ ban hành lệnh cấm, thế giới có nguy cơ thiếu hụt 50% sản lượng từ Ấn Độ, tức khoảng gần 10 triệu tấn – đây là cơ hội cho gạo Việt tăng giá và kiếm các hợp đồng lâu dài.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.
Được đánh giá khá nhiều thuận lợi, nhưng theo ông Thuận, gạo Việt vẫn còn nhiều thách thức về mặt chất lượng và quy mô nhỏ lẻ. Trong đó, người dân chưa tiếp cận giống chất lượng cao nên năng suất lúa chưa đạt mức tối ưu. Kỹ thuật canh tác và chăm sóc của nông dân hạn chế nên khi gieo trồng tốn giống, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng chất lượng và có hại cho môi trường. Ngoài ra, năng lực điều hành quy mô lớn của ngành gạo Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Để bỏ lại thách thức phía sau và nắm bắt cơ hội này, theo ông Thuận, gạo Việt Nam cần nâng cao chất lượng, tăng truy xuất được nguồn gốc để tạo lòng tin với người tiêu dùng và cơ quan quản lý; bảo vệ môi trường để sản xuất bền vững; liên kết chặt các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí giá thành.
Tại Lộc Trời, doanh nghiệp đang mở rộng vùng trồng tăng sản lượng cho xuất khẩu; đa dạng chủng loại gạo phù hợp thị trường quốc tế; đáp ứng tiêu chuẩn xuất gạo vào các thị trường cao cấp như EU, USA, Canada, Australia. Ngoài ra, công ty mở rộng các mô hình canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP 100, canh tác lúa hữu cơ... giúp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.
Cùng với việc các doanh nghiệp chủ động xây vùng nguyên liệu, theo Giáo sư Xuân, Nhà nước cũng cần có những hành động cụ thể trong quy hoạch vùng trồng, giám sát vùng trồng và tạo các hành lang pháp lý thuận lợi.
Ngay lúc này, để có được sản lượng gạo lớn cho xuất khẩu, các doanh nghiệp cần liên kết hợp tác lâu dài với các đơn vị thu mua, nông dân cam kết quyền lợi cho họ, đồng thời, đặt hàng họ theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Với các đối tác nhập khẩu, doanh nghiệp nên đề nghị họ ký hợp đồng bán dài hạn để đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định, nông dân yên tâm sản xuất.
Dự báo cho nguồn cung năm nay, ông Xuân cho rằng Việt Nam đang có thời tiết khá thuận lợi nên năng suất cao. Năm nay, Việt Nam có thể sản xuất hơn 43 triệu tấn thóc, lượng gạo toàn thị trường có thể đạt 9 triệu tấn.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gạo sáu tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu bình quân sáu tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD một tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay tiếp tục vượt 7 triệu tấn. Việt Nam sẽ đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu gạo trong năm nay, sau Ấn Độ và Thái Lan. Hiện, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia đang tăng mua gạo Việt từ 40% đến vài chục lần.